20 NĂM MỘT “GIẤC MƠ HOA”

May 5, 2022
HOA TIỆC CƯỚI

Với 2 dữ kiện “nghệ nhân Bàn tay vàng” và “20 năm gắn bó với nghề”, hẳn không ít người hình dung về Nguyễn Mạnh Hùng như một… bác trung niên đạo mạo, tác đã điểm bạc. Rồi khi gặp anh, trò chuyện với anh, người ta lại càng phải ngạc nhiên vì sự trẻ trung, vui vẻ từ diện mạo đến tính tình. Việc đoán tuổi anh trở nên… bất khả thi. Phải chăng vì tiếp xúc với hoa lá cỏ cây mà Nguyễn Mạnh Hùng có được sự lạc quan, yêu đời ấy?

“Bàn tay vàng” trẻ nhất

Tôi vừa tham dự Đêm của thiên đường – kỷ niệm 20 năm gắn bó với nghề của anh. 20 năm là con số khá … choáng đấy chứ?

Tôi lấy năm 1988 làm cột mốc đánh dấu thời gian bắt đầu làm nghề của mình. ĐÓ là năm tôi được công nhận nghệ nhân Bàn tay vàng ngành hoa nghệ thuật. Trước đó chỉ là khoảng thời gian tôi đi học nghề thôi. Hồi còn nhỏ, bố mẹ đã gửi tôi đến nhà nghệ nhân Hoàng Thị Đào. Bà vốn là một bà sơ nên vừa dịu dàng vừa nghiêm khắc. Hàng ngày, tôi ở nhà bà Đào từ sáng đến chiều, bà “bắt” phải phụ bà làm việc. Những sản phẩm hoa lụa mà bà làm ra khiến tôi mê mẩn.

Và anh bắt đầu tự giác làm việc chăng?

Phải. Nhưng những bông hoa lụa đầu tiên do tôi làm ra không được “sư phụ” ưng ý đâu, và tôi còn lười đến mức cắm những bông hoa giả ấy vào cành lá thật, đem tặng bạn bè. Khi bạn tôi thấy cành lá héo, bèn phun nước vào, bông hoa giả mới… lộ chân tướng, loang màu be bét cả. Vừa bị bạn trách là “lừa” bạn, vừa bị bà Đào mắng vì làm ẩu, làm dối…

Anh học nghề với nghệ nhân Hoàng Thị Đào trong bao lâu?

Chỉ khoảng 3-4 năm, rồi bà mất. Lúc đó tôi mới thấy tiếc, vì mình đã không biết tận dụng thời gian để học nhiều hơn. Nhưng dù sao, tôi thực sự tự hào vì đã từng là học sinh của bà. Những kỹ thuật ngâm tẩm, nhuộm màu hoa giấy, hoa lụa của bà, nhiều người nghĩ rằng nó đã thất truyền. Tuy chỉ học được chút ít, nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể được trình diễn cho mọi người thấy những kỹ thuật ấy.

Có phải vì thế mà anh tham gia trình diễn để bình chọn Bàn tay vàng ngành hoa nghệ thuật khi anh mới có 17 tuổi?

Không, lúc đó tôi chỉ đơn giản là muốn khoe với mọi người những sản phẩm mình làm ra, nên có lời mời tham gia trình diễn thì tôi nhận lời ngay. Hôm đó tôi trình diễn nặn một cây xương rồng bằng đất, gai tỉa từ sừng trâu, còn hoa xương rồng thì làm từ lụa.

Anh là Nghệ nhân Bàn tay vàng trẻ nhất thời điểm đó và cho đến tận bây giờ đúng không?

Phải. Tôi còn nhớ, tặng kèm với tấm bằng, chứng nhận còn có một cái áo len rất to, tôi không mặc vừa (sau này mẹ tôi phải dỡ ra đan lại), và một chiếc khăn tắm màu xanh da trời (cười). Vào thời điểm đó, thế là đã oai lắm.

Hoa cho ngày trọng đại

Cách đây mấy năm, tôi rất thích chương trình dạy cắm hoa trên VTV2. Tôi vẫn nhớ, một lần anh dạy khán giả ghép cành cây khô quanh lon sữa bò để được một lọ hoa…

Ồ, khoảng thời gian ấy thật là vui. Chương trình dạy cắm hoa trên truyền hình ấy đã kéo dài… 8 năm rưỡi – một khoảng thời gian kỷ lục đối với một chương trình truyền hình. Tôi đã dạy khoảng 1.200 mẫu hoa trang trí.

Và tôi đã phỏng vấn anh lần đầu tiên…

…khoảng năm 2002, Hội chợ Thế giới các loài hoa tổ chức tại Hà Nội. Đó cũng là một kỷ niệm vui. Hội chợ được tổ chức tại Hanoi Club, gian hàng của tôi lại đặt gần bể bơi. Tôi cứ mải mê cắm tỉa hoa, đến lúc ngẩng lên thì thấy khán giả quây vòng trong vòng ngoài để xem, nhưng toàn là khán giả nam và mặc… quần bơi. Hóa ra mấy bình hoa của mình lôi cuốn họ còn hơn cả dòng nước mát trong tiết trời nóng nực (cười).

Còn có kỷ niệm nào mà anh thấy ấn tượng trong 20 năm làm nghề không?

Để tôi kể cho bạn nghe công việc của tôi trong dịp Festival hoa Đà Lạt năm ngoái. Tôi làm việc ở Dalat Hasfarm với tư cách là một florist (tư vấn và thiết kế hoa trang trí), và công ty này có sáng kiến làm một chú ong cao 4,5m toàn bằng hoa. Lần đầu tiên tôi cắm hoa mà phải… leo trèo như vượn, riêng thời gian gắn hoa vào khung xốp cũng mất 5 ngày, vừa gắn hoa vừa lo phun nước để những bông hoa gắn hôm trước không bị héo. Số lượng hoa cúc, hoa pense sử dụng cho riêng chú ong này cũng phải tính bằng tấn!

Hiện tại, trang trí xe cưới, cắm hoa cầm tay cho cô dâu, cắm hoa bàn tiệc… vẫn chiếm nhiều thời gian và tâm sức của anh nhất?

Có làm công việc này mới biết, tư vấn hoa cưới cho khách hàng đòi hỏi một sự kiên nhẫn vô song. Hiện nay khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn. Nói vui một chút, đôi lúc tôi ngồi tư vấn cho một đôi cô dâu chú rể mà có cảm tưởng mình có thể uống hết chai Lavie 1 lít (cười)…

Một đôi uyên ương như thế nào thì có thể khiến anh thấy hứng thú khi kết hoa cưới cho họ?

Đó là những đôi cô dâu – chú rể đưa ra những yêu cầu khó, những ý tưởng lạ, khiến tôi “đau đầu” như khi đứng trước một thách thức. Khi tôi đáp ứng được yêu cầu của những cô dâu này, nhìn nét mặt ngạc nhiên của họ, tôi thấy đáng quý hơn cả tiền bạc…

Những gì anh học được từ nghệ nhân Hoàng Thị Đào ngày xưa có giúp ích nhiều cho anh trong quá trình trang trí hoa tươi không?

Những kinh nghiệm ấy hỗ trợ tôi nhiều chứ. Làm hoa lụa thì đòi hỏi tinh xảo, chi tiết. Cắm hoa tươi thì thiên về tạo dáng, tạo hình. Hai nghệ thuật này kết hợp với nhau thì mới có được tôi ngày nay. Tôi xem tivi và học lỏm, đến bây giờ cũng có thể tự “đổ” những cây nến nghệ thuật. Tôi cũng học một chút về ánh sáng, vì tôi thấy một bình hoa đặt trong nhà sẽ khác bày ngoài trời, cầm trên tay lúc 4h chiều thì nó khác 7h tối… Bây giờ, tôi đang muốn đi học tạo hình băng đăng, mà chưa có thời gian…

Rất nhiều người quan niệm “đàn ông mà lại đi cắm hoa”, nếu những người này nói thẳng với anh như thế, anh có bối rối không?

Không, tôi chẳng bao giờ băn khoăn về điều này. Những người không biết thì sẽ quan niệm trang trí hoa là một nghệ thuật nhẹ nhàng, yếu ớt. Chỉ có người trong cuộc mới biết được nghề này đòi hỏi sức khỏe như thế nào, sức khỏe để mang vác nguyên liệu, để gồng tay cắt những thân cành hoa lá rất cứng… Hơn nữa, các tác phẩm mà tôi tạo ra, chỉ cần người tinh ý một chút là có thể nhận ra ngay là tác phẩm của một người đàn ông. Những tác phẩm của chị em thường đi vào chi tiết, tỉ mỉ, còn một tác phẩm hoa của nghệ nhân nam thường chú trọng đường nét, hình khối và có sự mạnh mẽ, phóng khoáng trong đó. Điều quan trọng là yêu nghề và luôn luôn sáng tạo, chứ nam hay nữ thì quan trọng gì.

Tại “Đêm của thiên đường”, anh đã mang đến 50 ý tưởng hoa cưới mới nhất…

Lúc đầu, tôi chỉ muốn tổ chức một cuộc họp mặt thân mật giữa bạn bè với nhau, nhưng rồi nhiều người “xung phong” tài trợ quá nên tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó tử tế một chút. Dalat Hasfarm tài trợ hoa tươi, áo cưới Jijian và áo dài Lan Hương mang trang phục đến trình diễn…

Nghe nói vì 50 bó hoa này mà anh đã thức trắng mấy đêm…

Tôi vào nghề sớm, thành công sớm, nhiều lúc cũng thấy mình đang làm việc quá sức. Stress, mệt mỏi,… đủ cả. Để mà cố gắng tiếp tục làm việc được, thì tôi phải viện đến cả ý thức về danh dự. Khách hàng đã tin tưởng mình, bây giờ chỉ cần 1 người thất vọng thôi là tất cả những cố gắng từ trước đều thành công cốc cả.

Nhưng anh cũng phải có một bí quyết thư giãn nào đó chứ, thì mới có thể có được nhiều ý tưởng mới như vậy?

Cuộc đời có hoa cười và hoa khóc, hoa hiếu và hoa hỷ, tôi đã chọn nghề kết “hoa cười”, nên luôn cố gắng để lạc quan, yêu đời. Tôi cũng là một người có “tâm hồn ăn uống”, món tôi thích nhất là thịt bò. Khi nào thấy căng thẳng quá, tôi sẽ ra quán và gọi 2 suất bít tết, ăn cho đã (cười)…

(Tư vấn tiêu dùng)

    Leave a comment